Di tích Đình Đọ Xá
Từ ngàn đời nay Cây đa bến nước sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê gắn với sự tồn vòng qua bao đời và mái đình chính là chốn linh thiêng nhất thờ vị thần trấn giữ bình yên cho cả làng. Đình Đọ Xá không chỉ tôn thờ các vị thành hoàng công khai phá dựng làng mà còn là nơi thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Là cái nôi cách mạng để cơ sở Đảng phát triển rộng khắp trong tỉnh lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền.
Tên Đọ Xá bắt nguồn từ việc dân cư nơi đây sống gần bên bờ sông Đọ, là con sông ngăn cách giữa làng Đỗ Xá và làng Vĩnh Đại. Làng Đỗ Xá còn được gọi bằng tên khác là làng Đọ Xá, do đó tên đình cũng được gọi là Đình Đọ Xá. Đình Đọ Xá được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, thờ Tam vị thành hoàng, những người có công khai đất lập làng Đọ Xá đó là Cao Minh Vương, Cao Minh Trí và Cao Minh Sơn. Ngoài ra, tại Đình Đọ Xá còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương.
Vào những năm 1928-1929 phong trào cách mạng ở Việt Nam đã chuyển từ tự phát sang tự giác. Phong trao vô sản hóa của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã lan rộng khắp nơi. Năm 1929 đồng chí Trần Cung – một nhà giáo yêu nước, là cán bộ của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đã về Chí Linh để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – lênin và xây dựng phong trào cách mạng. Tại đây đồng chí đã chọn nhà ông Hoàng Văn Phương ở làng Đọ Xá, tổng Chi Ngãi để dạy học, đồng thời làm cơ sở để tuyên truyền cách mạng. Để củng cố địa bàn hoạt động và che mắt bọn mật thám, tay sai, trong thời gian này đồng chí Trần Cung đã xây dựng gia đình với bà Trịnh Thị Thông em ruột của địa chủ Trịnh Bá Vi. Những thanh niên yêu nước của làng Đọ Xá được đồng chí Trần Cung tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và tổ chức thành chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội làng Đọ Xá. Ngoài ra, đồng chí Trần Cung còn thành lập các chị hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội làng Vĩnh Đại, Cổ Kênh, An Nhiễm, Chi Ngãi.
Ngày mùng 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đưa lịch sử Việt Nam sang trang sử mới. Lúc này đồng chí Trần Cung đã trở thành đảng viên cốt cán và tiếp tục duy trì cơ sở Đọ Xá với danh nghĩa là quê vợ nhằm phát triển phong trào cách mạng trong vùng .
Đầu tháng 3/1930 đồng chí Trần Cung thành lập chi bộ đảng cộng sản ở đình Đọ Xá gồm 3 đồng chí Hoàng Văn Phương (tức Ba Sẹo), Trịnh Đình Kiệm và Phạm Văn Lừu (tức Vú Lìu) do đồng chí Hoàng Văn Phương làm bí thư. Đây là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Sự ra đời của Chi Bộ đảng Đọ Xá đánh bước trưởng thành quan trọng sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng địa phương. Chi bộ đảng Đọ Xá là cơ sở trung gian là chiếc cầu nối các hoạt động cách mạng giữa xứ ủy Bắc Kỳ với các cơ sở đảng thuộc địa bàn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Đình Đọ Xá trở thành kho chứa trung chuyển vũ khí, máy móc, quân dụng của quân khu 3, chuyển từ Hải Phòng về cất giữ và chuyển vào căn cứ an toàn.
Cuối năm 1930 đầu năm 1931 chi bộ đảng Đọ Xá đã rải truyền đơn kêu gọi nông dân đấu tranh chống địa chủ, chiếm lại ruộng đất, chống quan lại cường hào ức hiếp, đòi giảm tô, khất tô, khất nợ. Ngoài ra phong trào nông dân còn nêu cao các khẩu hiệu đòi chính quyền thực dân không được đàn áp nông dân Tiền Hải và Nghệ Tĩnh. Chi bộ có dự kiến in truyền đơn bằng thạch để tuyên truyền bí mật trong quần chúng nhân dân. Hưởng ứng phong trào đấu tranh của Xô Viết Nghệ Tĩnh và nông dân Thái Bình chi bộ đảng Đọ Xá đã tổ chức treo cờ búa liềm ở Chi Ngãi tạo ảnh hưởng tích cực đối với nhân dân. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng địch ra sức đàn áp, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực sa vào tay giặc.
Tháng 5/1932 trong lần công tác xuống Hải Phòng để liên lạc với xứ ủy Bắc Kỳ đồng chí Trần Cung đã bị thực dân Pháp bắt. Từ khi đồng chí bị bắt, chi bộ Đọ Xá mất liên lạc với Đảng cấp trên, mất phương hướng hoạt động. Trước tình hình đó chi bộ quyết định tạm phân tán để tránh bị địch khủng bố. Đồng chí Hoàng Văn Phương theo đoàn phu vào đồn điền cao su ở Nam Bộ để mưu tìm sự liên lạc với Đảng nhằm tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Lừu đi phu tại đồn điền Cẩm Lý – Bắc Giang rồi mất tại đó. Còn đồng chí Trịnh Đình Kiệm ở lại nằm vùng không hoạt động được. Mặc dù chi bộ Đảng Đọ Xá chỉ tồn tại được hơn 2 năm từ 3/1930 – 5/1932 nhưng đây chính là bước phát triển mới, lần đầu tiên phong trào cách mạng ở Chí Linh, Hải Dương đã có một tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làng Đọ Xá được kẻ thù xác định là vùng đất cách mạng nên tăng cường các cuộc tấn công, càn quét. Năm 1946, thực hiện phong trào tiêu thổ kháng chiến đình Đọ Xá bị hạ giải hoàn toàn.
Với những giá trị sâu sắc ấy, năm 2009 tỉnh Hải Dương phối hợp với huyện Chí Linh và xã Hoàng Tân khôi phục lại đình Đọ Xá trên nền đất cũ. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Chính giữa ban Đại bái là ban thờ Công đồng, bên phải là ban thờ các dòng họ có công khai lập làng Đọ Xá, bên trái là ban thờ long thần thổ địa. Năm 2017 ban quản lý di tích đưa thêm ban thờ đồng chí Trần Cung vào bên trái cạnh ban thờ thổ địa. Hậu cung chính là nơi thờ 3 vị thành hoàng là Cao Minh Vương, Cao Minh Trí và Cao Minh Sơn. Hai bên đình là nhà tả vu và hữu vu, mỗi nhà 5 gian. Tả vu làm nhà trưng bày với những hình ảnh, thông tin, tư liệu về sự kiện thành lập chi bộ đảng Đọ Xá và quá trình xây dựng đình của nhân dân Hải Dương. Hữu vu là nơi đón tiếp quý khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Căn cứ vào những giá trị lịch sử văn hóa của di tích tháng 2/2013 di tích đình Đọ Xá được xếp hạng cấp tỉnh.
Ngoài ra vào những ngày lễ kỉ niệm lớn của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh và của thành phố thường tiến hành các hoạt động dâng hương, mit – tinh để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của các vị đã có công khai lập vùng đất và tưởng nhớ anh linh của các chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng đã cống hiến cho đời, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đình Đọ Xá là nơi thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương, là dấu mốc xác định chính xác tuổi đảng của đảng bộ tỉnh Hải Dương. Ngôi đình Đọ Xá là nguồn tư liệu lịch sử quan trọng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha ông, giúp thế hệ sau hiểu và tự hào về một ngôi đình trên mảnh đất xứ đông văn hiến.
Đại bái đình Đọ Xá
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố dâng hương tại đình Đọ Xá
Học sinh trường TH-THCS Hoàng Tân trong buổi dã ngoại tìm hiểu về lịch sử truyền thống và phong trào cách mạnh của địa phương tại đình Đọ Xá.
ST